Nhằm kêu gọi cộng đồng chung tay bảo vệ động vật hoang dã (ĐVHD) và tiếp nối thành công của các chiến dịch mang lại dấu ấn với giới trẻ những năm gần đây, CHANGE cùng WildAid ra mắt phim ngắn “Vệ Binh Hoang Dã” vào tháng 6 năm 2022. Đây là sản phẩm truyền thông chính của chiến dịch Vệ Binh Hoang Dã – chiến dịch truyền thông sáng tạo giúp cộng đồng hiểu hơn về 4 loài tê tê Châu Á cũng như hiểu hơn về những năng lực, khả năng đặc biệt của chúng giúp ích cho hệ sinh thái dựa trên khả năng tự nhiên có thật: kiểm soát côn trùng dịch hại. Từ đó mọi người sẽ hiểu hơn về mối liên hệ giữa con người và tê tê – một loài không thể thiếu trong việc cân bằng hệ sinh thái.
Tê tê đóng một vai trò sinh thái quan trọng, giúp kiểm soát dịch hại và cải thiện chất lượng đất. Những chiếc móng vuốt dài và to giúp chúng có thể đào hang dưới đất để trú ẩn và đào tổ kiến và mối để kiếm thức ăn. Mỗi khi chúng bới đất, đất được trộn lẫn và được thông khí – cũng giống như việc chúng ta xới đất tạo độ màu mỡ cho đất trong vườn. Hành động này của chúng vô tình cải thiện chất lượng dinh dưỡng của đất và hỗ trợ chu kỳ phân hủy, cung cấp chất nền khỏe mạnh cho cây cối tươi tốt phát triển. Một con Tê tê có thể tiêu thụ lên đến 191.780 con côn trùng (kiến và mối) mỗi ngày (hơn 70 triệu con một năm). Các nhà nghiên cứu tại Đại học Bang Ohio tuyên bố rằng: hàng tỷ đô la được chi tiêu hàng năm để bù đắp cho những thiệt hại do mối gây ra và xử lý và ngăn ngừa sự xâm nhập của mối. Trong khi đó, chỉ cần có một quần thể tê tê khỏe mạnh đã có thể giải quyết được vấn đề nan giải này.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), chỉ trong 10 năm, hơn 1.000.000 con tê tê đã bị buôn bán trái phép, khiến chúng trở thành loài động vật có vú bị buôn bán nhiều nhất trên thế giới. Trước thực trạng này, CHANGE và WildAid tiếp tục đưa ra những chiến dịch sáng tạo, cung cấp kiến thức và cảnh báo đến cộng đồng về hành vi của con người đang đe doạ đến sự cân bằng sinh thái, trong đó có việc săn bắt và buôn bán trái phép các sản phẩm từ tê tê, trực tiếp gây hại đến sự sinh tồn của loài này trong tự nhiên.
Phim ngắn “Vệ Binh Hoang Dã” có nội dung xoay quanh đặc điểm của 4 loài tê tê Châu Á: tê tê Java, tê tê Philippines, tê tê vàng và tê tê Ấn Độ. Hình ảnh 4 loài tê tê được nhân hóa thành hình tượng của 4 siêu anh hùng trừ gian diệt bạo, bảo vệ dân làng trước sự xâm lược của hàng triệu binh đoàn kiến, mối. Người xem sẽ được dẫn dắt vào những tình huống bất ngờ, vui nhộn nhưng cũng có phần sâu lắng, cuối cùng đọng lại là cái kết hoàn toàn khác hẳn với các thể loại siêu anh hùng thường gặp.
Để thông điệp về 4 loài tê tê được nhiều người biết đến, Chiến dịch Vệ Binh Hoang Dã được sự ủng hộ và đại diện từ các nghệ sĩ là đại sứ thiện chí: Hoa hậu H’Hen Niê, Diễn viên Duy Khánh, Biên đạo – vũ công Quang Đăng và MC – nhà báo Trác Thuý Miêu. Bên cạnh đó, đoạn phim còn được tham gia lồng tiếng bởi diễn viên Ngọc Trai.
Ngoài sản phẩm phim ngắn “Vệ Binh Hoang Dã”, chiến dịch còn cho ra mắt microsite https://vebinhhoangda.org, cung cấp các thông tin tổng quan về chiến dịch và thông tin khoa học về các loài tê tê. Ngoài ra, các bạn trẻ yêu thích các nhân vật trong Vệ Binh Hoang Dã có thể tương tác và làm bài kiểm tra khám phá tính cách để xem mình tương ứng với nhân vật nào. Bên cạnh microsite, CHANGE cũng sẽ thực hiện một loạt các hoạt động truyền thông trên mạng xã hội và các màn hình LCD tại các trung tâm thương mại, toà nhà, cửa hàng ăn uống với các ấn phẩm truyền thông như poster, banner xuất hiện hình ảnh của chiến dịch và hình ảnh của các đại sứ thiện chí.
Chiến dịch Vệ Binh Hoang Dã là hoạt động mới nhất của Dự án dài hạn Cứu Tê tê do CHANGE và WildAid phát động từ năm 2016 nhằm giảm nhu cầu tiêu thụ tê tê và các sản phẩm từ tê tê tại Việt Nam, thông qua các hoạt động truyền thông sáng tạo nhằm nâng cao nhận thức và thay đổi thói quen sử dụng, vận động sự ủng hộ của các y bác sĩ và các lãnh đạo doanh nghiệp, phối hợp với các cơ quan thực thi pháp luật và chính quyền địa phương, và huy động tất cả cộng đồng cùng hành động để cứu loài vật này khỏi nguy cơ tuyệt chủng.
WildAid
WildAid là một tổ chức phi lợi nhuận với sứ mệnh chấm dứt nạn buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp. WildAid tập trung chủ yếu vào giảm thiểu nhu cầu và việc tiêu thụ trên toàn cầu đối với các sản phẩm động vật hoang dã, như ngà voi, sừng tê giác và vi cá mập, thông qua các chiến dịch truyền thông và hỗ trợ việc thắt chặt các quy định và tăng cường thực thi pháp luật. Với sự tham gia của các đại sứ là các nhân vật nổi tiếng và một mạng lưới các đối tác truyền thông trên toàn cầu, WildAid huy động được sự hỗ trợ của các đối tác với giá trị truyền thông hơn 230 triệu đô la mỗi năm với thông điệp đơn giản: “Không có người mua, không còn kẻ giết”. Trang thông tin chính thức: https://wildaidvietnam.org/
CHANGE
CHANGE trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) là tổ chức phi chính phủ Việt Nam với sứ mệnh nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi và phát triển năng lực cộng đồng trong việc giải quyết các vấn đề môi trường, bảo vệ động vật hoang dã, phát triển bền vững, giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Trang thông tin chính thức: www.changevn.org và www.facebook.com/CHANGEvn
Thông tin:
- Tê tê là loài động vật có vú duy nhất trên thế giới có cơ thể được bao phủ lớp vảy cứng. Có 8 loài tê tê hiện nay trên toàn thế giới, 4 loài ở Châu Á và 4 loài ở Châu Phi. Việt Nam là nơi cư trú của hai loài: Tê tê Java (Manis javanica) và Tê tê Vàng (Manis pentadactyla), cả hai loài đều nằm trong danh sách loài Cực kỳ nguy cấp trong Danh lục đỏ của IUCN và được pháp luật Việt Nam bảo vệ ở mức độ cao nhất. Mọi hành vi săn bắt, giết, nuôi, nhốt, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống hoặc sản phẩm của từ một cá thể đã bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự. Tùy vào mức độ vi phạm, người vi phạm có thể bị lãnh án lên đến 15 năm tù.
- TÊ TÊ ẤN ĐỘ (Manis crassicaudata) – Nhóm nguy cấp: Là loài tê tê lớn nhất Châu Á với mức độ phân bố rất xa, có thể đến tận phía Tây Pakistan. Tê tê con khi còn nhỏ được tê tê mẹ đèo trên lưng đưa đi khắp nơi.
- TÊ TÊ JAVA (Manis javanica) – Nhóm cực kỳ nguy cấp: Là loài tê tê sống trên cả mặt đất và trên cây, đây là loài bị săn bắt nhiều nhất hiện nay. Những chiếc vảy là lớp áo giáp bảo vệ tôi và các đồng loại không bị kiến cắn khi kiếm ăn, nhưng chúng cũng không thể làm gì trước những cuộc săn bắt tàn nhẫn của con người.
- TÊ TÊ PHILIPPINES hay TÊ TÊ PALAWAN (Manis culionensis) – Nhóm cực kỳ nguy cấp: Là loài tê tê sống trên cây, phổ biến ở bán đảo Palawan và gần các quần đảo ở Philippines. Các thợ săn còn dùng chó để truy vết các loài tê tê này.
- TÊ TÊ VÀNG (Manis pentadactyla) – Nhóm cực kỳ nguy cấp: Tê Tê Vàng là loài tê tê duy nhất ngủ đông khi đông về. Từ giữa những năm 1990, loài tê tê này đã cận kề bờ vực tuyệt chủng ở Trung Quốc.
- Tương tự với Châu Phi, nơi có nhiều vụ bắt giữ và tịch thu các bộ phận cơ thể, vảy tê tê hàng đầu thế giới chính là Châu Á. Dù là ngôi nhà của hơn 4 loài tê tê khác nhau, nhưng đây lại là châu lục có tình trạng săn bắt, trung chuyển và tiêu thụ tê tê phức tạp và nghiêm trọng nhất trên thế giới.
Bằng chứng là Châu Á có đến 3 loài tê tê được xếp vào mức Cực kỳ nguy cấp. Ở Việt Nam, cả hai loài tê tê vàng và tê tê Java đều được pháp luật Việt Nam bảo vệ mức độ cao nhất. Hai loài này được liệt kê trong Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ ban hành kèm theo Nghị định 160/2013/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 64/2019/NĐ-CP). Theo đó, mọi hành vi săn bắt, giết, nuôi, nhốt, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống hoặc sản phẩm của từ một cá thể đã bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo WCS, trong 3 thập kỷ qua, Việt Nam đã mất 80 – 90% quần thể tê tê trong nước do buôn bán tiêu thụ trái phép.