Thứ ba, Tháng mười một 12, 2024
spot_imgspot_imgspot_imgspot_img

Sách mới: Chân Dung của Nguyễn Quang Thân

Chân dung – tập truyện ngắn song ngữ Việt-Anh của nhà văn Nguyễn Quang Thân vừa được Phương Nam Book phát hành – gồm có năm truyện ngắn đặc sắc, thể hiện rõ nét bút pháp điêu luyện của nhà văn. 

Nguyễn Quang Thân được xem là một trong những nhà văn tiêu biểu của thời “tiền Đổi Mới” những năm 1980. Năm truyện ngắn trong Chân dung cũng đều là những truyện ông sáng tác ở giai đoạn từ thập niên 80 đến thập niên 90: Chân dung (1985), Gió heo may (1997), Người đàn bà đợi ở bến xe, Thanh minh (1991), Vũ điệu của cái bô (1991). Mỗi truyện ngắn như một lát cắt giúp người đọc nhìn thấy được nhiều khía cạnh khác nhau trong thế giới văn chương phong phú của Nguyễn Quang Thân.

Góc nhìn độc đáo về sự thật và cuộc đời

Truyện Chân dung mở đầu bằng cách tả lại cảnh mộng mị khiến họa sĩ Phát – nhân vật chính – bị đau đầu khi vừa thức dậy; nối tiếp sau đó là một loạt những câu văn có nhịp điệu dồn dập, chứa đựng nhiều thông tin khi thuật lại lịch trình hoạt động trong một ngày của ông Phát. Nhịp điệu dồn dập đó chỉ tạm lắng dịu khi tác giả đề cập đến một sự kiện diễn ra vào buổi chiều – cũng là nguyên cớ chính cho truyện ngắn này: họa sĩ Phát sẽ vẽ chân dung cho Huấn – một người bạn của ông. 

Chân dung xây dựng Phát là một họa sĩ bậc thầy nhưng ít khi vẽ tranh chân dung cho người khác vì một sự kiện đau lòng trong quá khứ đã ám ảnh suốt cuộc đời ông. Thông qua tác phẩm này, tác giả đưa ra một quan điểm đáng chú ý về sự thật từ góc nhìn của ông Phát đối với việc vẽ tranh chân dung:

“Đối với ông, vẽ là dùng ánh sáng của trái tim mình soi sáng người được vẽ. Ngược lại, ánh sáng của tâm hồn người mẫu đã giao thoa cùng cái nhìn của họa sĩ mà làm nên bức tranh. Sự thật hiện ra, màu và vải bỗng có linh hồn, những đường nét ước lệ bề ngoài giả dối, cái hình thể vẫn dùng để ăn, để uống, để nói những lời ngon ngọt hay cay độc rơi xuống. Sự thật của đám mây chính là cơn mưa.”

Từ đó, độc giả hiểu được rằng sự thật không nằm trong chính bản thân sự vật mà nằm trong thứ phái sinh từ nó. Vào những ngày nắng, ta không thể nào biết được sự thật của những đám mây vì chúng dường như quá xa vời khi ở trên cao, riêng một cõi trời, tách biệt hẳn với người quan sát bằng mắt trần ở dưới mặt đất, chỉ biết ngước nhìn lên mà ngưỡng vọng. Thế rồi, một cơn mưa đến và khoảng cách ấy bỗng chốc xóa mờ như một điều kì diệu; bởi lẽ, mưa chính là những giọt nước mắt từ mây – và do đó, mưa mang những sự thật đau buồn, tăm tối của mây. Con người cũng giống như thế. Trong những hoàn cảnh thuận lợi như một ngày nắng đẹp, ta sẽ khó lòng biết được tâm tư của người đối diện; và ngược lại, những ngày tăm tối thực chất lại là điều kiện lí tưởng để ta hiểu rõ hơn về một người. Đó cũng chính là cách Nguyễn Quang Thân đã dùng ngòi bút của mình để những nhân vật trong tập truyện ngắn này được cất lên tiếng nói từ nơi vực sâu tăm tối của linh hồn, từ những điều tưởng chừng chỉ là thứ phái sinh của sự thật – nhưng thực chất, lại chính là sự thật. 

Nghệ thuật dẫn dắt và xây dựng tình tiết đặc sắc của Nguyễn Quang Thân

Người đàn bà đợi ở bến xe là một truyện ngắn gợi nhiều tò mò, cảm giác hiếu kỳ nơi người đọc ngay từ phần mở đầu. Trái ngược hẳn với tiêu đề – vốn có đàn bà hiện hữu – câu chuyện lại mở đầu bằng một tình huống không có/ không còn đàn bà: “Sau khi li dị, Toản quyết định không lấy vợ nữa.” Không mào đầu vòng vo, câu văn ngắn gọn này như một cú đấm trực diện vào bức tường hiện thực đông cứng những đau buồn, tẻ nhạt của nhân vật. Tuy vậy, Toản không muốn phá vỡ bức tường đó, anh lựa chọn cách trang hoàng lại cho dẫu quyết định đó có khiến anh trở nên túng thiếu: 

“Anh không thổ lộ ý tưởng ấy với ai, gom tiền mua một căn hộ trong khu chung cư ‘hác lem’. Sắm sửa các thứ tối thiểu trong nhà xong, anh thành tay trắng. Nhưng Toản tự thấy được an ủi là từ nay trong nhà anh không có đàn bà.”

Dù là như thế, anh vẫn “mừng là căn hộ mới của anh không có đàn bà.” Nguyên nhân Toản trở nên ghét đàn bà như thế là vì những tổn thương trong cuộc hôn nhân với vợ cũ: sau những ngày đầu ngọt ngào ngắn ngủi là cả một quãng thời gian dài chị luôn khinh miệt anh vì việc anh làm chỉ có vài đồng lương còm cõi, chị dần lạnh nhạt khi quan hệ với anh; và đỉnh điểm sau cùng là chị ngoại tình, có con với người khác. Đó là quá khứ của Toản.

Nhưng câu chuyện Người đàn bà đợi ở bến xe chỉ thực sự bắt đầu khi nhân vật trong tiêu đề xuất hiện vào một ngày mưa, ôm một đứa con nhỏ ngồi co ro ở bến xe – lúc bấy giờ chỉ có Toản và người đàn bà đó đang đợi chuyến xe cuối. Trong phân đoạn này, Nguyễn Quang Thân đã xây dựng được một tình huống oái oăm rất thú vị cho nhân vật: một người ghét cay ghét đắng đàn bà nay lại bị mắc kẹt với người đàn bà ôm con nhỏ khi trời lạnh mưa rơi ở bến xe. Cũng từ đây, một loạt những tình huống bất ngờ liên tiếp diễn ra khiến Toản buộc phải di chuyển khỏi bức tường mà anh đã cố gắng trang hoàng để có một góc nhìn khác về hiện thực. 

Thông qua truyện ngắn Người đàn bà đợi ở bến xe, Nguyễn Quang Thân đã thể hiện bút pháp điêu luyện trong việc lựa chọn cách khởi đầu cũng như sự tài tình, khéo léo khi dẫn dắt câu chuyện một cách điềm đạm, mực thước mà vẫn khiến người đọc cảm thấy hấp dẫn, lôi cuốn. 

Tiếng cười không khoan nhượng trước những thói hư, tật xấu của con người

Vũ điệu của cái bô có lẽ là truyện ngắn có tiêu đề gợi cảm giác khôi hài và tò mò nhất cho độc giả trong tập truyện Chân dung. Nhưng không chỉ dừng lại ở tiêu đề, cách mở đầu của truyện ngắn này cũng độc đáo không kém. 

Bô là vật dụng biểu trưng cho việc tiếp nhận những thứ ắt phải xuất hiện sau một quãng thời gian cố định từ lúc con người thực hiện hành vi ăn uống. Nhưng truyện ngắn này lại mở đầu theo cách vừa chua xót vừa khôi hài khi miếng ăn – vốn là tiền đề của bô – lại có nguy cơ bị tước khỏi hoặc phải giảm thiểu đáng kể trong đời sống của Hảo – nhân vật chính trong Vũ điệu của cái bô.

Hảo là một phó tiến sĩ nhưng anh vừa bị mất việc do nhà máy đóng giày phá sản và có nguy cơ không thể tìm việc làm mới trong vòng một năm. Điều đầu tiên anh nghĩ đến khi phải đối mặt với chuyện này là việc ăn uống, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng:

“Vậy mà cũng phải ăn, phải gửi tiền cho con gái lên Hà Nội học thêm, phải nuôi cái xe đạp tàng, hễ mó đến là ăn vạ tiền nghìn. Rồi chén cà phê đen buổi sáng, quên nó một bữa là Hảo thấy mình đang mọc đuôi ra.”

Bạn đồng cảnh tương lân với Hảo là Tứ – người họa sĩ sống ở tầng dưới. Tứ cũng bị cái đói vây khốn: “Tứ thường không biết ngày mai mình ăn gì, ăn ở đâu. Tứ nói: ‘Đói là con hổ, đừng nhìn nó, nhìn là nó về ngay’.”

Tuy nhiên, chính Tứ là người đã mở ra cho Hảo cơ hội công việc mới: chăm trẻ ba tuổi với mức lương khá cao, vừa chăm vừa dạy tiếng Anh. 

Khi Hảo đến gặp chị chủ nhà, Nguyễn Quang Thân đã có một câu văn miêu tả cực kì xuất sắc khi ông trình hiện trước mắt người đọc bức chân dung sống động về cả vẻ ngoài lẫn đời sống tinh thần của chị chủ nhà chỉ trong vài chữ ngắn gọn: “Chị đẹp, sang trọng và thừa thãi áo quần, mỡ phần, không gian và thời gian.”

Và đúng như cảm giác hài hước mà tên truyện đã gợi ra, Vũ điệu của cái bô là một khúc nhạc trào lộng với những từ ngữ sắc bén, được đặt đúng nơi đúng lúc tạo ra nhiều câu chốt hạ gãi đúng chỗ ngứa khiến người đọc bật cười giòn giã. Với truyện ngắn đóng vai trò kết thúc tập truyện Chân dung, Nguyễn Quang Thân đã cho người đọc có cơ hội chiêm ngưỡng một khía cạnh khác trong văn chương của ông: ẩn sâu dưới sự hài hước, ý nhị là một con người có tinh thần trách nhiệm với xã hội, luôn quyết liệt phơi bày và phê phán những thói đời xấu xa, mục ruỗng.

Trích đoạn

Cô đi lấy chồng đột ngột. Người họa sĩ thì biết trước điều bất hạnh của mình, bởi vì, cô gái bằng xương bằng thịt của ông đã chết, chỉ còn bức chân dung là đang sống, bây giờ ông chỉ còn run rẩy trước bức vẽ ấy nữa mà thôi: “Tôi vẽ chân dung lên miếng da lừa của đời tôi”.

 (trích Chân dung)

Những ngày đầu tiên tuyệt vời, anh đi làm về đã thấy một mâm cơm trên bàn còn trên tấm trải giường màu hoa lựu là chị nằm đọc cái gì đó, khi mặc một bộ váy ngủ, khi không mặc gì cả để đón anh và anh bỏ mặc mâm cơm, đổ xuống chị như một cây chuối bị đốn bởi niềm đam mê. 

(trích Người đàn bà đợi ở bến xe)

Chị đặt cái bô vào góc nhà như người nhạc trưởng cất gậy lên giá. Điệu vũ chấm dứt.

(trích Vũ điệu của cái bô)

Đánh giá về sách

“Từ truyện đầu tiên in năm 1957 đến nay, ngoài thế mạnh chính là tiểu thuyết và truyện dài, Nguyễn Quang Thân đã có hàng trăm truyện ngắn, phần nhiều trong số đó chưa bị bụi thời gian che mờ mà năm truyện trong tuyển tập này là một minh chứng. Năm hạt cát tiềm ẩn long lanh!

Năm truyện, năm cảnh huống và lát cắt nhưng hiện thực dữ dội đã được phơi bày bởi ngòi bút tài hoa, nhân ái và uy-mua hiếm quý. Dù với giọng điệu nào, trữ tình, cay đắng hay giễu nhại, nhà văn đều đi đến tận cùng của tâm trạng mà không sống trong chăn, không trải nghiệm bi kịch xã hội đương thời, người ta không viết nổi những trang văn này.

Cảm ơn Nguyễn Quang Thân, Rosemary Nguyễn, Mạnh Chương. Rằng, dòng văn chương Việt đích thực vẫn đang chảy, nhất là những dòng chảy ngầm!”

– Mai Quỳnh 

Chân dung – khắc họa sắc sảo về một lớp người không thể cứu rỗi khỏi tha hóa, thối rữa.

Gió heo may – được chắt ra từ một tâm hồn mẫn cảm quá mức bỗng trở nên đặc sánh khác thường trong những ngày hiếm hoi của mùa thu, truyện ngắn mà nhà văn Bùi Ngọc Tấn ước “muốn đánh đổi tất cả để có được nó”.

Người đàn bà đợi ở bến xe – sâu sắc và cổ điển như mọi thứ thuộc về nhân văn cổ điển ngậm ngùi.

Thanh minh – một tiếng thở dài miên man chua xót. 

Vũ điệu của cái bộ – như chiếc lò xo phản kháng với tất cả sự giễu nhại độc đáo và dữ dội ở mọi khía cạnh của ngòi bút đã trở nên lão luyện, bậc thầy.”

– Nhà văn Dạ Ngân

Về tác giả

Ngoài năm tiểu thuyết, sáu truyện dài cho thiếu nhi và hai kịch bản phim nhựa, Nguyễn Quang Thân còn là tác giả của nhiều truyện ngắn và vừa xuất sắc. Có thể kể đến:

• Nước về (1957)

• Cô gái Triều Dương (1967)

• Chân dung (1985)

• Người không đi cùng chuyến tàu (1989)

• Vũ điệu của cái bô (1991)

• Thanh minh (1991)

• Hoa cho một đời (1996)

• Giao thừa trắng (1996)

• Gió heo may (1997)

• Người đàn bà đợi ở bến xe

Thông tin tác phẩm:

 • Tên tác phẩm: Chân dung

• Tác giả: Nguyễn Quang Thân

• Thể loại: Truyện ngắn

• Giá bìa: 144.000 đ

• Số trang: 221

• Quy cách: 14 x 20.5 cm, bìa mềm

• Sách do Phương Nam Book và NXB Thế Giới liên kết xuất bản

Bài liên quan

Bài xem nhiều nhất